Hoàng vương Đông Đan Gia_Luật_Bội

Năm 926, Thái Tổ quyết định tiến hành kế hoạch chinh phục Bột Hải. Trong chiến dịch, Bội đã chiếm được trọng thành Phù Dư[5] của Bột Hải.[6] (Điều này được xem là dấu chấm hết cho nước Bột Hải, ngay cả khi vào lúc đó Thái Tổ vẫn chưa chiếm được kinh thành Long Tuyền của Bột Hải.)[7] Thái Tổ đã lập ra vương quốc Đông Đan trên lãnh thổ cũ của Bột Hải, với kinh thành đặt ở Phù Dư, và lập Gia Luật Bội làm vương, tước hiệu Nhân Hoàng vương (人皇王), ứng với tước hiệu của bản thân Thái Tổ hoàng đế là Thiên Hoàng đế và tước hiệu của hoàng hậu của ông là Địa Hoàng hậu. Thái Tổ trao cho con thứ Gia Luật Đức Quang hiệu Nguyên soái thái tử và cho Gia Luật Đức Quang thay thế Gia Luật Bội trông nom Lâm Hoàng.[6]

Tuy nhiên, một thời gian sau khi chinh phục thành Phù Dư, Thái Tổ lâm bệnh và qua đời ở Phù Dư. Thuật Luật hoàng hậu nắm quyền lãnh đạo trên thực tế của Đại Khiết Đan Quốc, và bà cùng Gia Luật Bội bắt đầu chuyến đi đưa lĩnh cữu về Lâm Hoàng. Hoàng hậu không muốn Gia Luật Bội kế vị do bà yêu mến Gia Luật Đức Quang hơn. Tuy nhiên, về mặt chính thức, bà đã triệu tập một cuộc họp gồm các tù trưởng, cùng với Gia Luật Bội và Gia Luật Đức Quang, và nói với họ rằng: Ta yêu mến cả hai hoàng nhi của ta, và ta không biết chọn ai để làm hoàng đế. Các ngươi có thể quyết định người mà các người muốn ủng hộ lên nắm giữ ngôi vị. Các tù trưởng biết rằng bà yêu mến Gia Luật Đức Quang nên đã ủng hộ và trao ngai vàng cho Gia Luật Đức Quang. Do đó, Thuật Luật Bình tuyên bố Gia Luật Đức Quang là hoàng đế, tức Thái Tông. Gia Luật Bội giận dữ trước sự thay đổi này nên đã đem theo vài trăm lính và muốn chạy trốn đến Hậu Đường (nhà nước hậu thân của Tấn), song bị lính canh biên giới Khiết Đan chặn lại. Thuật Luật Bình đã không trừng phạt Gia Luật Bội, song cử ông đến Đông Đan.[6][8]

Sau khi đăng cơ, Thái Tông trở nên nghi ngờ rằng huynh trưởng có ý định đoạt ngôi, và do đó đã cho di dời kinh đô Đông Đan đến Đông Bình[9] và cưỡng bách những người Bột Hải cũ đến Đông Bình. Ông cũng cho cận binh cung đình giám sát các hành động của Gia Luật Bội. Khi Hậu Đường Minh Tông biết được điều này, ông ta đã cử các mật sứ đến khuyên Gia Luật Bội chạy trốn đến Hậu Đường. Gia Luật Bội bình rằng Ta nhường đế quốc cho hoàng đế, song nay ta bị ngờ vực. Sẽ tốt hơn khi ta đi đến một nước khác mà ở đó ta có thể giống như Ngô Thái Bá. Ông mang theo sủng thiếp Cao thị cùng bộ sách to lớn của mình, lên một con thuyền và đi đến Hậu Đường.[1] Năm 930, ông đến Đăng Châu của Hậu Đường.[10] (Nhân hoàng vương phi Tiêu thị của Gia Luật Bội và trưởng tử Gia Luật Nguyễn đã không theo ông đến Hậu Đường, Tiêu hoàng vương phi sau đó tiếp tục cai trị nước Đông Đan cho đến khi bà qua đời vào năm 940, trong khi Gia Luật Nguyễn cuối cùng đã kế vị Thái Tông, thành hoàng đế.)[11][12]